Cùng tham quan ngôi chùa Chion-in, một ngôi chùa có Nhị Trùng Môn bằng gỗ lớn nhất Nhật Bản, cùng với những câu chuyện kì bí xung quanh nó nhé!
Ngôi chùa Chion-in là danh thắng nổi tiếng và là Tổng bản sơn của Tịnh Độ Tông, tông giáo Phật giáo lớn thứ hai Nhật Bản. Được xây dựng trên diện tích 250.000m2 dưới chân núi Hoa Đảnh, phía Đông cố đô Kyoto. Chùa mang khoảng 30 phong cách kiến trúc lớn và nhỏ khác nhau như Cổng tam quan, Phật điện, Chánh điên.
Đôi nét về chùa Chion-in
Ngôi chùa Chion-in là ngôi chùa đứng đầu tôn phái Jodo-shu và được cho là bắt nguồn từ việc Honen xây dựng Thảo Am ở Yoshimizunochi vào năm 1175. Honen chính là người đã sáng lập ra tôn phái Jodo-shu, ông phổ cập việc niệm phật cứu người với câu "Nam mô A di đà Phật".
Sau khi Honen viên tịch, đệ tử của ông đã xây dựng nền móng cho ngôi chùa ở nơi từng có Thảo Am, ngôi chùa trang nghiêm, bề thế đã từ từ được hình thành nhờ công của Tokugawa Ieyasu, shogun đời thứ 2 Hidetada, shogun đời thứ 3 Iemitsu. Khuôn viên chùa có nhiều kiến trúc quý như Mieido (quốc bảo); cổng Sanmon, Seishodo, Shueido (Ngự đường của thánh nhân Honen).
Ngôi chùa Chion-in vào mùa hoa anh đào
Chính điện Mieido là nơi thờ bức tượng thánh nhân Honen. Tòa nhà này từng bị thiêu hủy do hỏa hoạn nhưng sau đó đã được xây dựng lại bởi Tokugawa Iemitsu. Bên cạnh đó, cổng Sanmon cũng được xây dựng lại vào năm 1621 bởi Tokugawa Hidetada. Đây chính là Nhị trùng môn bằng gỗ lớn nhất Nhật Bản với chiều cao 24m, bề rộng 50m, và sử dụng tổng cộng 70.000 miếng ngói. Cánh cổng này có tên gọi là Sangedatsumon (Tam giải thoát môn nghĩa là có 3 con đường giải thoát dẫn đến sự giác ngộ).
7 điều kỳ bí ở ngôi chùa Chion-in
Ở ngôi chùa Chion-in này từ xưa vốn đã lưu truyền câu chuyện về 7 điều kỳ bí.
Ví dụ như hành lang Uguisubari dài 550m, khi đi bộ trên hàng lang này nó sẽ phát ra một âm thanh giống như tiếng kêu của chú chim họa mi. Người ta cho rằng trước đây hàng lang này đã đóng vai trò như một thiết bị cảnh báo. Ngoài ra, ở mặt dưới của mái hiên phía mặt trước chính điện Mieido có "Wasuregasa" chỉ còn lại khung dù. Ở bức tranh cửa trượt Kikunoma có "Nuke-suzume", bức tranh này ám chỉ người họa sĩ đã vẽ quá đẹp và chân thật đến mức những chú chim sẽ đã sống dậy và bay mất.
Xem thêm: Đền Fushimi Inari-taisha cùng vạn chiếc cổng thú vị và độc đáo.
Mieido hiện đang được trải qua đợt đại trùng tu cho đến cuối năm 2019 nên có nhiều nơi không thể vào tham quan, tuy nhiên ở Honen Shonin Mido hiện có trang bị bảng điện tử giải thích tất cả 7 điều kỳ bí của ngôi chùa này.
Chánh điện Meido rộng lớn
Cổng tam quan được xếp hạng vào hàng quốc bảo, được Tướng quân đời thứ hai Tokugawa Hidetada phát tâm cúng đường kinh phí và bắt đầu xây dựng vào năm 1621. Tầng trên dùng để thờ Đức Phật Thích Ca và 16 vị La Hán. Đặc biệt, tại tầng này có thờ hai vợ chồng làm nghề thợ mộc tên Gomikinemon. Họ được giao việc xây cổng, nhưng vì cho xây dựng quá lớn, vượt quá dự toán kinh phí, nên bị Tướng quân khiển trách, cả hai vợ chồng cùng nhận trách nhiệm, đã mổ bụng tự tử. Do đó, tượng của hai vị này được đặc cách và thờ tại đây.
Chánh điện Meido thường diễn ra các lễ hội cầu siêu
Chánh điện này là tâm điểm của ngôi chùa Chion-in. Tất cả mọi khóa lễ cầu an hay cầu siêu đều được tổ chức tại đây.
Chánh điện đầu tiên được xây dựng năm 1603, nhưng bị hỏa hoạn thiêu cháy hoàn toàn vào năm 1633. Tướng quân thứ ba Tokugawa Iemitsu cho xây dựng lại năm 1639. Khi xây dựng lại, người thợ mộc nổi tiếng thời bấy giờ là Higari Jingoro đã dùng một chiếc ô làm bùa yểm để Chánh điện này không bị hỏa hoạn thiêu cháy. Có lẽ nhờ vậy, dù đã trải qua bao cuộc binh hỏa, Chánh điện vẫn tồn tại tới ngày nay.
Trên mái của Chánh điện, ngay chính giữa, người xưa đã cố tình để lại hai viên gạch còn dở vữa với hàm ý: Chánh điện này vẫn chưa hoàn thiện bởi “có thành thì phải có hoại”.
Đại hồng chung của ngôi chùa
Đại hồng chung là một trong ba quả chuông lớn nhất Nhật Bản. Nó được đúc vào năm 1678, cao 3,3m, nặng 70 tấn, được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia.
Đại hồng chung của ngôi chùa
Trong Thế chiến thứ II, quân đội Thiên hoàng đã hạ quả chuông xuống, định mang đi đúc vũ khí, nhưng vì không thể mang ra khỏi núi, nên quả chuông vẫn còn đến ngày nay.
Chuông này chỉ được thỉnh mỗi năm 1 lần vào dịp Giao thừa, thỉnh đúng 108 tiếng với ý nguyện đánh tan 108 phiền não.
Vai trò của ngôi chùa này đối với hoàng gia
Phương trượng của một ngôi chùa thường là phòng của vị trụ trì, nhưng Đại phương trượng và Tiểu phương trượng của ngôi chùa Chion-in lại là khu vực dành riêng cho triều đình của Thiên hoàng và Mạc phủ của Tướng quân khi có chính biến.
Được xây dựng vào năm 1641, Đại phương trượng (rộng 900m2, gồm có 11 phòng) là nơi dành riêng cho Thiên hoàng. Được xây dựng lớn gấp hai lần Tiểu phương trượng và phòng của Thiên hoàng được xây ba cấp, các bức tranh xung quanh đều được dát vàng. Tiểu phương trượng (rộng 450m2, gồm có 6 phòng) là nơi dành cho Mạc phủ. Phòng của Tướng quân chỉ được xây với hai cấp và treo tranh thủy mặc.
Cả hai nơi này đều có phòng dành riêng cho cận vệ, nhưng người ngoài nhìn vào không hay biết. Ở hai phương trượng này là dãy hành lang được cấu trúc để tùy theo bước chân, phát ra tiếng động như tiếng chim Hoàng Oanh hót líu lo. Người đi càng nhẹ, tiếng hót sẽ càng thanh. Các Ninja nổi tiếng của Nhật Bản cũng không thể nào vượt qua hành lang “chim Hoàng Oanh” này.
Phương tiện di chuyển
Từ ga Kyoto bạn sử dụng xe bus đi đến trạm Chionin-mae, từ trạm xe bus đi bộ đến chùa mất 5 phút. Nếu đi bằng taxi thì mất tầm khoảng 15 phút. Ngoài ra có thể đi bằng tàu điện ngầm tuyến Tozai Line đến ga Higashiyama, từ ga đi bộ thì mất 8 phút.