Theo quốc lộ 4D đi về hướng Đông Nam, cách thị trấn Sapa khoảng 8 km là làng Tả Van Giáy. Đường vào bản Tả Van hiện nay vẫn khá nhỏ và hẹp, đi xuống dưới tận chân núi Hoàng Liên Sơn, đến thung lũng Mường Hoa, qua cây cầu nằm vắt qua suối là bản Tả Van.
Bản Tả Van nhìn từ trên cao
Con đường dẫn vào bản đơn thuần chỉ là những lối mòn uốn lượn quanh các ngọn đồi nhấp nhô. Trên đường đi du khách thỏa thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang xếp tầng nối lớp, được tô điểm bởi màu xanh của ngô và lúa non… hai bên đường. Xen lẫn vào bức tranh thiên nhiên này là những bụi lau, sậy cao ngang đầu người, những bụi hoa đỗ quyên vàng óng vào mùa nở rộ. Đâu đó có tiếng suối chảy, tiếng chim rừng vang khắp núi rừng như gọi mời, chào đón.
Nếu du khách đến Tả Van vào buổi chiều xuống sẽ không khó để bắt gặp những đứa trẻ mặt mày lem luốc cưỡi trên trâu về bản. Trên đường cái, từng đoàn những em nhỏ, những cô gái Mông, Dao trở về từ thị trấn, sau khi tan chợ. Khung cảnh rất tươi vui và cũng thật gần gũi.
Tả Van theo tiếng địa phương có nghĩa là vòng cung lớn, tựa lưng vào dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, phía trước nhìn ra dòng suối Mường Hoa trong trẻo, uốn dòng. Đoạn suối chảy qua bản Tả Van rộng và phẳng, trở thành bãi tắm lý tưởng đối với người Giáy và cả du khách, thường đến đây vui đùa, ngụp lặn trong làn nước mát.
Tả Van nằm nép mình nơi thung lũng Mường Hoa
Khám phá Tả Van/Du lịch Sapa: Hà Nội - Sapa - Cát Cát - Lao Chải - Tả Van - Hàm Rồng 3 Ngày
Đa số nhà ở bản Tả Van được dựng bên cạnh triền dốc thoai thoải theo ruộng bậc thang, càng làm cho cảnh quan thêm thơ mộng.
Hiện nay, Tả Van được quy hoạch thành làng du lịch mang đậm nét sinh hoạt truyền thống của các tộc người Giáy, Mông, Dao. Khách du lịch có thể ở Homestay lại ở Tả Van trong những ngôi nhà của người Giáy để cùng người dân ăn, nghỉ, trải nghiệm nếp sống và văn hóa bản địa. Nhà của người Giáy có cả nhà sàn, nhà đất, với gian giữa là nơi trang nghiêm để đặt ban thờ tổ tiên và tiếp khách…
Dịch vụ Homestay phổ biến tại Tả Van
Trang phục của người Giáy rất đơn giản: nữ giới mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng; tóc vấn theo kiểu vành khăn và thường đeo túi vải có thêu hoa văn; nam giới mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cài cúc vải, quần ống đứng và đầu vấn khăn.
Điệu múa xòe quạt của phụ nữ Giáy
Mọi hoạt động tại Tả Van cũng dần được kinh doanh và du lịch hóa. Nhiều món hàng như thổ cẩm, vòng đeo tay… đều có thể mua ở khu vực này.
Mặc dù công việc chính của người Giáy ở bản Tả Van là trồng lúa nước song với đôi bàn tay khéo léo, người dân nơi đây còn có khả năng rèn dụng cụ sản xuất, chạm khắc bạc, thêu thùa rất tài tình. Người Giáy cũng rất yêu văn nghệ, họ thường biểu diễn các tiết mục văn hóa truyền thống như múa quạt, múa then, múa khèn, nhảy sạp…, và đốt lửa trại ban đêm cho du khách cùng tham gia.
Bất cứ ai, nếu đã từng thành kiến với những lời mời chào vồn vã tại các điểm du lịch đều sẽ hài lòng khi đến Tả Van. Đã khá quen thuộc với việc khách du lịch đến thăm nên mọi sinh hoạt của người dân tại bản vẫn diễn ra bình thường. Những ánh mắt, nụ cười thân thiện, mang chút rụt rè thường thấy của bà con miền núi, sẽ giúp du khách dễ dàng hòa nhập với cuộc sống bản làng ở vùng cao Tây Bắc.
Du khách thích thú trải nghiệm cuộc sống tại Tả Van
Đến thăm bản Tả Van ở Sapa, bạn còn có dịp thưởng thức một số món ăn đặc sản vùng cao như: cá suối nướng Mường Hum, thắng cố thịt ngựa Mường Khương, thịt lợn cắp nách Bắc Hà, xôi nếp ngũ sắc Văn Bàn…, hay bữa cơm bình dị mà ngon miệng với rau, cá, gà lợn… tự nuôi trồng.
Du lịch bản Tả Van ở Homestay, quây quần chung một mái nhà, tìm hiểu nếp sống và những nét văn hóa đặc sắc của người Giáy, thưởng thức những món đặc sản của du lịch Sapa sẽ là điểm nhấn thú vị trong nhật ký hành trình khám phá vùng đất ở phía Tây Bắc Tổ quốc, để rồi lưu luyến mãi.