Tháp Đôi là điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Bình Định. Tháp ấn tượng với du khách bởi cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chãi.
Vị trí địa lý của Tháp Đôi
Tháp Đôi tọa lạc tại làng Hưng Thạnh xưa, bây giờ thuộc phường Đống Đa, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 3 km về phía Tây Bắc. Tháp Đôi còn có tên là tháp Hưng Thạnh, được xếp vào một trong những tháp đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chămpa.
Khám phá vẻ đẹp của Tháp Đôi
Tháp Đôi là một trong những tháp đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc Chămpa – một công trình kiến trúc độc đáo gồm 2 tháp: Tháp chính cao 20m và tháp phụ cao 18 m. Cả hai tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Chămpa mà được tạo thành gồm 2 phần chính: Khối thân vuông và phần đỉnh giáp mặt cong. Vì vậy thoạt nhìn ngôi tháp này trông giống với đền thờ của người Khơ-me thời kỳ Ăng – co thế kỷ 12. Phần mái của tháp Đôi không phải là hệ thống các tầng thu nhỏ dần như các tháp Champa truyền thống mà là cả khối hình tạo bởi bốn mặt, mỗi mặt được chia thành sáu tầng bằng những đường diềm ngang, mỗi tầng chia thành năm ô trong đó ô chính giữa là lớn nhất có hình người ngồi thiền chân xếp bắt chéo lên nhau. Ở bốn góc của các tầng mái còn được tô điểm các hình rắng Naga 5 đầu.
Tháp Đôi là một trong những tháp đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc Chămpa
Trong hai ngôi tháp Đôi, tháp Bắc cao lớn hơn và ít bị xuống cấp hơn tháp Nam. Tháp Bắc được tạo dáng khá cân đối, phần thân và mái đều được xử lí tinh tế bằng những đường diềm hơi thắt lại làm cho bố cục kiến trúc thêm chặt chẽ. Cửa chính của tháp hướng về phía Đông, nhô ra phía trước bởi bốn lớp trụ, thu nhỏ dần ở phía lỗi vào. Tương ứng với các lớp trụ là bốn lớp vòm mái hình mũi lao nhọn, hai bên trang trí hoa văn đối xứng. Ba mặt tường còn lại có ba cửa giả lặp lại kiểu trang trí như cửa chính nhưng có kịch cỡ nhỏ hơn. Mái tháp có cấu tạo nhiều tầng, nhỏ dần về phía trên. Vòng quanh diềm mái là 21 hình vũ nữ được chạm khắc tinh tế với những tư thế khác nhau trông rất sống động. Chính giữa phần ngăn cách mái và thân tháp được trang trí bằng hình tu sĩ ngồi thiền, hai bên có voi châu đối xứng.
Điểm độc đáo của di tích này chính là việc sử dụng chất liệu đá trong thi công công trình
Tháp Nam có cấu trúc tương tự tháp Bắc, nhưng ở phần diềm mái, thay vì các hình vũ nữ, hình khắc trang trí lại thể hiện một đàn hươu 13 con với những dáng vẻ rất khác nhau trông rất tinh nghịch và sống động.
Chiêm ngưỡng tháp Đôi về đêm
Theo các nhà khảo cổ học, điểm độc đáo của di tích này chính là việc sử dụng chất liệu đá trong thi công công trình. Đá tảng được sử dụng rất nhiều để làm phần đế cho cả hai tháp và chân riềm mái. Dù những phần xây dựng bằng đá này qua thời gian đã mất mát khá nhiều nhưng những gì còn sót lại hiện nay cũng đủ xếp tháp Đôi vào hàng tiêu biểu cho loại hình kiến trúc sử dụng đá này trong hệ thống tháp Chăm ở Việt Nam.
Du lịch Quy Nhơn, du khách hãy ghé thăm tháp Đôi để tìm hiểu di tích có kiến trúc độc đáo này nhé.