Những di tích tháp Chăm không thể bỏ qua khi du lịch Quy Nhơn

Cập nhật lúc 13:31:46, 15/05/2017
Nhắc đến tỉnh Bình Định, du khách thường nhớ ngay đến những di tích tháp Chăm nổi tiếng mà bất cứ ai đã một lần du lịch Quy Nhơn đều không thể bỏ qua.
Tại Bình Định hiện nay có 8 cụm với 14 tháp Chăm nổi tiếng, bao gồm Bánh Ít, Dương Long, tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông thuộc địa giới ba huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn và TP. Quy Nhơn. 
Niên đại của các tháp Chăm này được xác định là từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12, tức chúng đều có tuổi thọ lên tới 1.000 năm.
Trong đó có 4 ngọn tháp du khách không nên bỏ qua khi du lịch Quy Nhơn:

Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít là một trong những ngôi tháp nổi tiếng nhất trong số các di tích tháp Chăm tại Bình Định. Ngọn tháp tại huyện Tuy Phước này từng xuất hiện trong danh sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” 
Tháp Bánh Ít (còn được gọi với các tên tháp Tri Thiện, tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, Thổ Sơn hay người Pháp gọi là Tour d'argent - tháp Bạc). Đây là một khu di tích đẹp còn lại nhiều tháp nhất của Vương quốc Chăm-pa trên mảnh đất Bình Định. 

thap-banh-it-binh-dinh
Tháp Chăm Bánh ít 
Tháp được xây dựng vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V. 
Tháp Bánh Ít có bốn ngọn được xây trên một quả đồi. Ngọn to nhất cao khoảng 29,6m. Bên cạnh đó còn có ba ngọn tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Quần thể di tích tháp Bánh Ít mang giá trị nghệ thuật cao về kiến trúc bởi nét độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp. Công trình đền tháp lớn này thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đổ về tham quan mỗi năm.

Tháp Đôi

Tháp Đôi tọa lạc tại phường Đống Đa, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 3 km về phía Tây Bắc. Tháp Đôi được xếp vào một trong những tháp đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chămpa.
Công trình này gồm 2 tháp: Tháp chính cao 20m và tháp phụ cao 18 m. Cả hai tháp đều được tạo thành gồm 2 phần chính: Khối thân vuông và phần đỉnh giáp mặt cong. 

Phần mái của tháp Đôi là cả khối hình tạo bởi bốn mặt, mỗi mặt được chia thành sáu tầng bằng những đường diềm ngang, mỗi tầng chia thành năm ô trong đó ô chính giữa là lớn nhất có hình người ngồi thiền chân xếp bắt chéo lên nhau. Ở bốn góc của các tầng mái còn được tô điểm các hình rắng Naga 5 đầu.
Theo các nhà khảo cổ học, điểm độc đáo của di tích này chính là việc sử dụng chất liệu đá trong thi công công trình. Đá tảng được sử dụng rất nhiều để làm phần đế cho cả hai tháp và chân riềm mái. Dù những phần xây dựng bằng đá này qua thời gian đã mất mát khá nhiều nhưng những gì còn sót lại hiện nay cũng đủ xếp tháp Đôi vào hàng tiêu biểu cho loại hình kiến trúc sử dụng đá này trong hệ thống tháp Chăm ở Việt Nam.

Tháp Cánh Tiên

Tháp Cánh Tiên nằm tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn 27km về hướng Tây Bắc. Tháp được xây trên một đỉnh đồi cao, thờ Nữ Thần Y A Na. 

thap-canh-tien-tai-binh-dinh
Tháp Cánh Tiên
Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời. 
Mang phong cách kiến trúc điển hình các ngôi tháp ở Bình Định; kết cấu tháp gồm tiền sảnh và điện thờ. Phía ngoài thân tháp, các mặt tường được trang trí những cột ốp và các khung dọc nhô ra. 
Khác với các tháp Chăm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và các góc diềm mái. Tại bốn góc ở mỗi tầng của tháp có các chi tiết bằng đá hình đuôi phượng nhô ra.

Tháp Dương Long

Tháp Dương Long thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn. Tháp Dương Long gồm 3 ngọn tháp, tháp giữa cao 24m, hai tháp hai bên cao 22m. 
Phần thân tháp xây gạch, các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau rất khéo. Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình chim thần Garuda, Voi, Đại bàng... Các mặt phẳng của tường được trang trí nhiều bức phù điêu lớn có hình lá đề, mô tả cảnh múa hát, tu sĩ. Ðặc biệt là những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng lên trên. Mọi chi tiết trang trí ở tháp này đều rất lớn, trổ trên sa thạch, đường nét rõ ràng và còn giữ được rất tốt.

thap-duong-long-binh-dinh
Cụm tháp Dương Long
Các nhà nghiên cứu khẳng định những cụm tháp Chăm ở Bình Định như một bảo tàng ngoài trời sống động, độc đáo. Trải qua hàng nghìn năm với những biến động mà những ngọn tháp đất nung vẫn luôn tồn tại uy nghi giữa đất trời và giữ được những nét đẹp làm đắm say lòng người ngay lần đầu đến thăm.
 

Ý KIẾN CỦA BẠN
CÁC TIN KHÁC